Hàng thập kỷ nay, mô hình phân tích SWOT đã cung cấp một công cụ mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp phân tích thị trường, và khi kết hợp với các công cụ phân tích khác như PESTLE (trong bài dưới), sẽ trở thành một trong những phương pháp tuyệt vời để giảm thiểu rủi ro và phòng tránh việc bỏ lỡ những thứ quan trọng.
Phân tích SWOT là gì?
SWOT là một mô hình nổi tiếng sử dụng trong kinh doanh của doanh nghiệp. Nó là một khung lý thuyết được các doanh nghiệp áp dụng để lên ý tưởng, phân tích, đánh giá chiến lược kinh doanh, cũng như định vị bản thân, đối thủ, thị trường và định hướng phát triển.
Mô hình bao gồm 4 phần (S-W-O-T), dùng để xem xét các yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến tiềm năng của doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
S= Strengths (Điểm mạnh)
Đây là một trong 2 yếu tố nội tại, yếu tố vốn có của mỗi chúng ta. Với một doanh nghiệp, muốn biết điểm mạnh của mình là gì, họ cần trả lời các câu hỏi sau:
- Doanh nghiệp của mình làm tốt cái gì? (sản phẩm)
- Nguồn lực sẵn có có của công ty là gì?
- Lợi thế so với các đối thủ hiện có trên thị trường?
Ví dụ, với Megamind, điểm mạnh được xác định sẽ là tập hợp những con người có kiến thức tốt về SEO và thiết kế đồ họa, đồng thời sở hữu các phương pháp SEO độc quyền mang lại hiệu quả cao và lâu bền.
W= Weakness (Điểm yếu)
Cũng như điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp cũng là yếu tố nội tại, là những khía cạnh tạo ra bất lợi hoặc làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp so với thị trường. Biết được các yếu tốt này giúp doanh nghiệp xác định được vấn đề cần cải thiện để tăng hiệu quả kinh doanh. Để xác định điểm yếu, cần trả lời các câu hỏi sau:
- Doanh nghiệp còn thiếu những gì?
- Điểm hạn chế về nguồn lực của doanh nghiệp hiện tại là gì?
- So với đối thủ trên thị trường, doanh nghiệp của bạn còn có bất lợi cạnh tranh là gì?
- Các yếu tố làm giảm doanh thu hiện tại là gì?
- Những yếu tố nào làm giảm khả năng duy trì doanh nghiệp của bạn?
Với Megamind, điểm yếu được xác định là hạn chế nguồn lực tài chính ở thời điểm hiện tại để có thể bung sức cho các kế hoạch lớn hơn.
2 yếu tố bên trong này không phải luôn cố định, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được theo thời gian.
Oppoturnities (Cơ hội)
Khác với điểm mạnh và điểm yếu, cơ hội là yếu tố ngoại tại tác động tích cực đến doanh nghiệp của bạn, giúp doanh nghiệp có cơ hội để phát triển thịnh vượng hơn.
- Thị trường đang tồn tại những đặc điểm gì có lợi đối với ngành nghề kinh doanh của bạn nói chung và doanh nghiệp của bạn nói riêng?
- Sức tăng trưởng của thị trường hiện tại?
- Cơ hội sẵn có trong thị trường mà doanh nghiệp của bạn đủ khả năng để nắm bắt là gì?
…
Threats (Thách thức)
Cùng là yếu tố ngoại tại, nhưng ngược lại với cơ hội, thách thức là những đặc điểm thực trạng bên ngoài tác động tiêu cực lên sự phát triển doanh nghiệp của bạn.
- Thị trường đang tồn tại những gì cản trở việc tăng doanh thu của bạn?
- Khủng hoảng kinh tế có đang kéo lùi sự phát triển doanh nghiệp của bạn?
- Có biến động nào xảy ra trong thị trường khiến bạn bị ảnh hưởng?
…
Với các yếu tố bên ngoài như cơ hội và thách thức, doanh nghiệp của bạn chỉ có thể đón nhận và thích nghi mà không có cách nào để thay đổi nó.
Tại sao chúng ta phải phân tích SWOT?
Lý do thật sự khá đơn giản. Bạn muốn nhận thức đúng điểm mạnh của mình để sử dụng chúng tốt nhất, điểm yếu của mình để tìm cách cải thiện và trung hòa tác động của chúng, các cơ hội trên thị trường để có thể tận dụng lợi thế của chúng, và các thách thức để có thể chuẩn bị và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của chúng lên doanh nghiệp của bạn.
Mô hình SWOT sẽ mang lại cái nhìn sâu sắc về doanh nghiệp, và từng dự án mà doanh nghiệp triển khai.
Phân tích SWOT như thế nào?
Với S và W, bạn cần xem xét trên tất cả các khía cạnh đến từ công việc kinh doanh của bạn, một số gạch đầu dòng sau có thể là gợi ý:
- Nhân sự: kiến thức, kinh nghiệm…
- Tài chính: tình hình tài chính, quản lý tài chính…
- Sản phẩm và dịch vụ: cơ sở vật chất, R&D, chất lượng…
- Phạm vi sản phẩm, dịch vụ: quá lớn, quá nhỏ…
- Dịch vụ khách hàng: tốc độ, độ tin cậy, đảm bảo…
- Mạng lưới nhà cung cấp, chất lượng nguyên liệu đầu vào…
- Lợi thế cạnh tranh
- Mạng lưới phân phối
- Marketing
- Tiếp cận thị trường: dễ dàng hay khó khan
- Công nghệ: kỹ năng, bí quyết, phần mềm, phần cứng…
Với O và T, bạn có thể sử dụng phân tích PESTLE, xem xét các vấn đề đang diễn ra trên các lĩnh vực sau và đánh giá tác động của chúng lên doanh nghiệp của bạn:
- P: Political- chính trị: Điều gì đang xảy ra với chính trị thế giới và quốc gia bạn sinh sống? Nó có tác động như thế nào? Các quyết sách của quốc gia bạn có giúp bạn tăng tỷ lệ ký hợp đồng, hay giảm áp lực về thuế?
- E- Economic- Kinh tế: Kinh tế hiện tại đang suy thoái hay phát triển? Tỷ giá tiền tệ quốc gia hiện tại đang như thế nào so với các đồng tiền khác, điều đó giúp ích cho doanh nghiệp của bạn hay không?
- S- Sociological- xã hội: Dân số đang bị già hóa có là cản trở với mặt hàng bỉm sữa mà bạn đang kinh doanh hay không. Hay việc biểu đồ dân số dôc đứng có phải là nguy cơ đối với các doanh nghiệp bán kính lão như bạn?
- T- Technological- Công nghệ: Mạng internet ngày càng được phổ cập, dẫn đến sự phát triển thương mại điện tử có khiến cho công việc kinh doanh gạch vữa của bạn bị mất khách hàng? Bạn làm gì để cải thiện dịch vụ khách hàng và áp dụng các công nghệ đó để tăng doanh thu?
- L- Legal- Pháp lý: Điều luật giảm thuế nhập khẩu oto có khiên cho mảng kinh doanh oto của bạn thuận lợi hơn không?
- E- Environmental- Môi trường: Viêc gia tăng nhận thức về vấn đề môi trường có phải là điều kiện tốt để sản phẩm Eco-friendly của bạn có chỗ đứng, hay sẽ là trở ngại nếu sản phẩm được tạo ra với nguy cơ phá hủy rừng?
Sau khi đã làm rõ được thế nào là S, W, O, T, điều bạn cần là lấp đầy các ô trống trong bảng dưới đây để có thể đưa ra cái nhìn trực quan nhất về vị trí của bạn trong thị trường.
Ưu và nhược điểm của việc sử dụng mô hình phân tích SWOT.
Việc sử dụng mô hình phân tích SWOT trong kinh doanh có một số ưu điểm và nhược điểm, cụ thể như sau:
Ưu điểm:
- Cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng thể, hệ thống hơn cho các vấn đề phức tạp
- Nhắc nhở bạn về việc tìm cách phát triển doanh nghiệp dựa trên các mặt tốt của mình, và tìm cách cải thiện những mặt chưa tốt, tận dụng các cơ hội và chuẩn bị cho các mối đe dọa
- Khá đơn giản và dễ hiểu để sử dụng
Nhược điểm:
- Kết quả phân tích chưa đủ chuyên sâu
- Phân tích hơi mang tính chủ quan, vì đặc điểm tâm lý của con người là thường đánh giá cao thế mạnh của mình, nhưng thực sự là không phải thế mạnh nào cũng đủ khả năng tạo ra khả năng cạnh tranh của bạn.